Sức mạnh của Sự dẫn dắt: Tại sao mọi người làm nghệ thuật sáng tạo đều cần một người cố vấn (Mentor)

Dù là một nhà thiết kế tự do, họa sĩ minh họa, hay một giám đốc nghệ thuật đầy tham vọng, việc tự mình điều hướng sự nghiệp một cách khách quan vào mọi thời điểm có thể rất khó khăn. Một người cố vấn sẽ mang đến sự hướng dẫn, hỗ trợ và những góc nhìn sâu sắc, giúp bạn phát triển nhanh hơn cả về chuyên môn lẫn cá nhân.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá lý do tại sao mọi người làm nghệ thuật sáng tạo đều cần một người cố vấn, với những chia sẻ từ ba nghệ sĩ từng trải nghiệm vai trò cố vấn ở cả hai phía.

  1. Người cố vấn mang đến sự rõ ràng và hướng đi

Khi đứng trước những ngã rẽ trong sự nghiệp hay một dự án phức tạp, cảm giác bối rối và áp lực là điều khó tránh khỏi. Một người cố vấn thường nắm giữ chìa khóa để giúp bạn tìm thấy sự rõ ràng và định hướng cần thiết để tiến bước. "Một người cố vấn giỏi sẽ trang bị cho bạn những công cụ để tập trung, xác định rõ mục tiêu và thực hiện các bước tiếp theo cho sự phát triển của bạn. Một người cố vấn tuyệt vời thậm chí có thể nhận ra nhu cầu của bạn trước khi bạn kịp nhận ra chúng," họa sĩ minh họa kiêm người cố vấn Teti Kartasheva chia sẻ.

Việc kết nối với những người có kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực của bạn cho phép bạn học hỏi từ cả thành công lẫn sai lầm của họ. Họa sĩ minh họa và giám đốc sáng tạo David Sossella nói: "Tầm quan trọng của một người cố vấn nằm ở khả năng truyền lại kinh nghiệm của họ." Tự nhiên đảm nhận vai trò người cố vấn khi bạn bè và đồng nghiệp tìm đến mình để xin lời khuyên, David nhận ra anh có thể giúp người khác phát triển bằng cách chia sẻ những hiểu biết của mình. "Điều này khiến tôi nhận ra rằng mình có thể hỗ trợ người khác bằng kinh nghiệm và chia sẻ những gì mình đã học hỏi và khám phá được."

  1. Người cố vấn mang đến phản hồi cá nhân hóa

Dù sách vở, các bài hướng dẫn và tài nguyên trực tuyến rất hữu ích, nhưng không gì có thể sánh được với phản hồi cá nhân, trực tiếp một-kèm-một. "Điểm mà một người cố vấn thực sự tạo ra sự khác biệt là họ hướng dẫn bạn một cách cá nhân, xem xét tác phẩm của bạn và điều chỉnh lời khuyên phù hợp với nó," David giải thích.

Người cố vấn dành thời gian để hiểu tầm nhìn và mục tiêu của bạn, nghiên cứu sản phẩm của bạn, cung cấp phản hồi giúp cải thiện hồ sơ công việc của bạn, khiến nó trở nên hấp dẫn hơn đối với khách hàng hoặc nhà tuyển dụng tiềm năng. Họ có thể nhận ra những khoảng trống trong tác phẩm của bạn, gợi ý các lĩnh vực cần cải thiện, đồng thời giúp bạn khám phá những khả năng sáng tạo mới và mở rộng giới hạn của chính mình.

  1. Người cố vấn mang lại sự hỗ trợ tinh thần

Làm nghề sáng tạo không chỉ là rèn luyện kỹ năng kỹ thuật mà còn phải vượt qua những thách thức tinh thần như sự tự nghi ngờ bản thân và khủng hoảng ý tưởng. Người cố vấn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ bạn vượt qua những thời điểm khó khăn này.

"Một người cố vấn có thể khích lệ bạn và giúp bạn vượt qua những khủng hoảng không thể tránh khỏi trên hành trình nghệ thuật thực sự," David nhấn mạnh. Một người cố vấn hiểu được những cung bậc cảm xúc của quá trình sáng tạo có thể mang lại sự an ủi to lớn. Dù là giúp bạn vượt qua tình trạng cạn ý tưởng hay mang lại góc nhìn mới mẻ, người cố vấn sẽ luôn nhắc nhở bạn về tiềm năng của mình khi sự tự nghi ngờ xuất hiện.

  1. Người cố vấn có thể đến từ bất kỳ đâu

Mối quan hệ cố vấn không nhất thiết phải tuân theo một cấu trúc chính thức giữa người cố vấn và người được cố vấn. Trong suốt sự nghiệp của mình, bạn có thể tìm thấy những người cố vấn dưới nhiều hình thức và trong các bối cảnh khác nhau. "Ban đầu, đó có thể là một người bạn hoặc đồng nghiệp có chung sở thích với bạn, một người mà bạn có thể nhờ đến để nhận phản hồi hoặc đặt câu hỏi," nhà thiết kế hình ảnh Stefan Balasoiu giải thích. Những kết nối không chính thức này có thể mang lại những góc nhìn và sự hỗ trợ quý giá, giúp bạn phát triển kỹ năng trong một môi trường thoải mái hơn. Nếu là sinh viên đại học, các giảng viên khoa Mỹ thuật ứng dụng / Truyền thông đa phương tiện / Đồ hoạ là những người dày dặn kinh nghiệm sống và cả chuyên môn sâu để đưa ra cho bạn những lời khuyên hữu ích và tức thời.

Hơn thế nữa, với mạng xã hội và các nền tảng như Behance, Dribbble, Facebook, các Forum trao đổi… rào cản địa lý không còn là vấn đề. Bạn có thể tiếp cận người cố vấn ở phía bên kia thế giới và xây dựng mối quan hệ một cách trực tuyến, miễn là bạn đủ tin tưởng vào người sẽ làm cố vấn cho mình.

  1. Quan hệ cố vấn có thể ngắn hạn hoặc dài hạn

Dù những mối quan hệ cố vấn dài hạn có thể mang lại giá trị to lớn, đừng nản lòng nếu một mối quan hệ cố vấn không phát triển thành một kết nối bền vững. "Đừng đánh giá thấp giá trị của một tương tác ngắn gọn — nó có thể mang lại tác động rất lớn," Teti nhấn mạnh.

Là một người được cố vấn, Teti chủ động liên hệ với các chuyên gia trong lĩnh vực của mình khi cần sự hướng dẫn. "Một số mối quan hệ trong số đó đã phát triển thành những kết nối lâu dài, trong khi một số khác ngắn gọn và đơn giản. Có những mối quan hệ cố vấn không đạt được hiệu quả như tôi kỳ vọng, nhưng chúng vẫn mang lại cho tôi những góc nhìn để tiếp tục bước đi," cô nhớ lại. "Tôi chắc chắn rằng tôi sẽ không đạt được vị trí hiện tại nếu thiếu đi những cuộc gặp gỡ đó, và tôi rất biết ơn từng mối quan hệ ấy."

  1. Mối quan hệ cố vấn là một con đường hai chiều

Mối quan hệ cố vấn mang lại lợi ích cho cả người cố vấn lẫn người được cố vấn. Đối với Stefan, việc cố vấn không chỉ là hỗ trợ mà còn là nguồn cảm hứng và cơ hội phát triển sáng tạo: "Tôi liên tục được truyền cảm hứng từ công việc của các nhà thiết kế mà tôi hợp tác, từ tư duy của khách hàng, và từ niềm đam mê của các học viên mà tôi giúp đỡ. Đôi khi, những học viên trở thành cộng sự, và mạng lưới của bạn cứ thế mở rộng."

"Tôi thấy đặc biệt ý nghĩa khi việc cố vấn vượt ra khỏi vòng tròn quen thuộc của mình, đặc biệt nhờ sự dễ dàng kết nối trực tuyến," Teti chia sẻ thêm. "Việc làm quen với những người mới — thường là những người cực kỳ tài năng và mang trong mình sự mong manh đẹp đẽ của nghệ thuật — trong khi giúp họ tìm thấy sự tự tin và vượt qua những thách thức trên hành trình sáng tạo thực sự khiến tôi hạnh phúc."

                                                                                                                                                            Người dịch: Cựu SV Nguyễn Châu Phát

                                                                                                                                                         (Lớp GD19A1A - Khoa Mỹ thuật ứng dụng) 

 

            Nguồn: https://www.behance.net/blog/power-of-mentorship