Diễn họa kiến trúc Quy trình Render 5 bước (5SRW METHOD)

Phương pháp 5SRW (Quy trình Render 5 Bước) là quy trình giúp các diễn hoạ viên nắm vững các tính năng mạnh mẽ của công cụ render một cách thực tế và có hệ thống, dựa trên tư duy nhiếp ảnh. Thực tế không chỉ Vray mà còn áp dụng cho bất kỳ trình render nào khác muốn hướng tới phong cách tả thực (chẳng hạn như Corona, Arnold…).

Đây là một phương pháp được áp dụng thống nhất ở nhiều công ty diễn hoạ kiến trúc quy mô từ nhỏ đến các công ty lớn với nhiều phòng ban và nhân sự, và ở nhiều nước khác nhau (Canada, Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam…). 5SRW không những giúp xác định một quy trình làm việc rõ ràng mà còn giúp các bộ phận hỗ trợ nhau được dễ dàng hơn ở các bước cụ thể, kết thúc một bước (step) sẽ có một sản phẩm cụ thể để gửi đến khách hàng hoặc bộ phận Quality Assurance để duyệt.

Sau đây là mô tả từng bước:

0. Modeling (Dựng hình) - không nằm trong 5SRW nhưng là yếu tố thiết yếu.

Đầu tiên phải có bộ phận modeling để tạo ra model của công trình và background xung quanh công trình. Mức độ chi tiết tuỳ thuộc vào nhu cầu của khách hàng và góc được yêu cầu. Đối với các dự án công trình nhà ở sẽ chỉ cần 1-2 người dựng hình, còn đối với các dự án lớn (khu phố, thành phố, quy hoạch khu đô thị…) sẽ cần đến ít nhất 1 tổ dựng hình 3-5 người, thậm chí là nhiều tổ dựng hình ở các phần mềm khác nhau. Chúng ta sẽ nói đến các vị trí việc làm dựng hình ở bài viết sau.

1. Framing (Bố cục & Góc nhìn)

🔹 Mục tiêu: Xác định bố cục và góc nhìn hợp lý, giống như cách nhiếp ảnh gia chọn khung hình.

🔹 Thao tác chính:

  1. Từ đầu khách hàng sẽ chọn một góc cụ thể (góc nhìn ngang tầm mắt người, góc ngang toà nhà, góc nhìn từ trên không…), nếu không thì sẽ chọn góc phù hợp và thể hiện đẹp nhất công trình

  2. Cài đặt tiêu cự camera (Focal Length) để tạo hiệu ứng mong muốn

  3. Cân nhắc tỷ lệ vàng, quy tắc 1/3, đường dẫn hướng ánh mắt

2. Light Balance (Cân bằng ánh sáng)

🔹 Mục tiêu: Xác định nguồn sáng chính - phụ, điều chỉnh ánh sáng tổng thể để đạt hiệu ứng chân thực.
🔹 Thao tác chính:

  1. Khách hàng sẽ yêu cầu thời gian và loại ánh sáng cụ thể, nếu không thì chọn thời điểm ánh sáng đánh khối công trình rõ ràng, không cháy sáng, không mù, không quá tối.

  2. Xác định ngày / đêm và chọn loại ánh sáng chính (tự nhiên từ Sun, HDRI hay nhân tạo như V-Ray Light)

  3. Điều chỉnh cường độ ánh sáng và bóng đổ

  4. Cân bằng tương phản sáng - tối để tạo chiều sâu cho cảnh

  5. Sản phẩm lúc này là một bức ảnh white line / White angle / Clay render chứa hai thông tin chính: bố cục công trình và ánh sáng. Khách hàng sẽ xem và đưa ra các điều chỉnh về góc camera hoặc ánh sáng theo nhu cầu. Khi nào gửi ảnh white angle mà được đồng ý thì mới tiến hành bước tiếp theo.

3. Material & Textures (Vật liệu & Kết cấu)

🔹 Mục tiêu: Tạo vật liệu chân thực, có độ phản xạ, độ trong suốt và độ gồ ghề phù hợp.
🔹 Thao tác chính:

  1. Khách hàng sẽ đưa ra một chỉ dẫn vật liệu cực kỳ cụ thể (bao gồm tên, mã sản phẩm, phiên bản màu, kích thước, hình ảnh thực tế…) để diễn hoạ viên bám theo.

  2. Thiết lập Diffuse (màu sắc vật liệu)

  3. Điều chỉnh Reflection & Refraction (độ phản xạ, khúc xạ của kính, kim loại, nước...)

  4. Thêm Bump/Displacement để tạo độ gồ ghề tự nhiên

  5. Sử dụng PBR (Physically Based Rendering) để đạt kết quả chính xác

  6. Mục tiêu ở bước này là tả đúng nhất có thể vật liệu mà khách hàng yêu cầu

4. Final Render (Tối ưu ánh sáng & Hiệu ứng -> Render chất lượng cao nhất)

🔹 Mục tiêu: Điều chỉnh ánh sáng lần cuối để đạt hiệu ứng chân thực, ấn tượng.
🔹 Thao tác chính:

  • Điều chỉnh Color Mapping (cân bằng màu sắc tổng thể), tương tác màu sắc, khử ám màu

  • Xử lý các lỗi khác: model bị hở, model bị bay 

  • Tinh chỉnh Exposure (phơi sáng), Gamma & White Balance

  • Kiểm soát Global Illumination (GI) & Ambient Occlusion (AO) để tạo độ sâu

  • Đảm bảo các yếu tố “Sáng trong tối”, “Tối trong sáng” 

Giải thích

Ánh sáng chia vật ra làm 2 phần: sáng và tối. sáng thì đương nhiên là sáng hơn tối

Đi sâu hơn vào "tập hợp" sáng và tối ta có:

Sáng chia ra 3 phần: sáng nhất, sáng vừa, sáng ít.

Sáng ít chính là phần tối ở bên trong phần sáng - tối trong sáng.

Tối chia ra 3 phần: tối nhất, tối vừa, tối ít.

Tối ít chính là phần sáng ở bên trong phần tối - sáng trong tối.

Mà sáng thì sáng hơn tối -> sáng ít phải sáng hơn tối ít -> Tối trong Sáng phải sáng hơn Sáng trong Tối.)

 

5. Post Production (Hậu kỳ & Chỉnh sửa)

🔹 Mục tiêu: Hoàn thiện hình ảnh render bằng phần mềm chỉnh sửa như Photoshop / Lightroom.
🔹 Thao tác chính:

  • Fix các lỗi còn tồn tại sau khi render (cháy đen, cháy sáng, noise, vỡ hạn, chồng chéo model…)

  • Thêm các đối tượng 2D: người, cây cối, bầu trời

  • Sử dụng Masking IDs và các channel để tăng các yếu tố phản xạ, màu sắc

  • Hiệu chỉnh độ tương phản, độ sắc nét, cân bằng màu

  • Thêm Depth of Field (DOF), Bloom & Glare để tạo hiệu ứng điện ảnh

  • Lồng ghép Elements (Render Passes) để nâng cao chất lượng hình ảnh

  •  

    Tóm lại: 5SRW giúp các diễn hoạ viên tiếp cận quy trình render theo cách khoa học, có trình tự rõ ràng. Áp dụng đúng phương pháp này sẽ giúp tạo ra những bức ảnh render đẹp, chân thực, chuyên nghiệp mà không bị rối bởi quá nhiều thông số kỹ thuật, cũng giúp tối ưu hoá quy trình làm việc và tăng tính phối hợp giữa các bộ phận với nhau để cùng tạo ra những sản phẩm diễn họa chân thực và sống động.

                                                                                                                                                               Người viết: Nguyễn Châu Phát

Từ khóa